Tìm Hiểu Về Biên Bản Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà
Hết hạn hợp đồng, người thuê không còn nhu cầu, hay vì lý do nào khác khiến giao dịch thuê nhà không thể tiếp diễn thì cần soạn thảo biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà. Việc này sẽ giúp bên cho thuê và người thuê tránh tranh chấp về tài sản thuê sau này.
Vậy thế nào là biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà? Các trường hợp nào có thể thanh lý? Cần lưu ý gì khi thực hiện? Hãy cùng 101home tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
1 Biên Bản Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà Là Gì?
Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà là văn bản/giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà mà bên cho thuê – khách thuê đã ký kết trước đó. Đây cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp (nếu có) sau khi kết thúc thuê nhà.
Dựa trên biên bản và các điều khoản đã ký kết ở hợp đồng thuê nhà, chủ cho thuê và người thuê xác định quyền, nghĩa vụ cần thực hiện khi chấm dứt giao dịch.
- Quyền lợi: Hai bên sẽ nhận được gì sau khi kết thúc hợp đồng?
- Nghĩa vụ: Có vấn đề, hậu quả gì xảy ra trong quá trình thuê nhưng chưa được giải quyết?
Sau đó, hai bên tự đưa ra giải pháp rồi ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Hoàn tất việc ký kết thì người thuê và chủ cho thuê không còn liên quan gì với nhau trên phương diện pháp lý.
Bài viết liên quan: Thuê Mua Nhà Ở Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Thuê Mua Và Thuê Nhà
2 Các Trường Hợp Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà
Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà được lập trong hai trường hợp:
- Bên cho thuê và bên thuê thống nhất thanh lý hợp đồng thuê nhà.
- Chưa hết hạn thuê nhà nhưng một trong hai bên (chủ cho thuê – người thuê) đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng thuê nhà
Trường hợp này diễn ra khi:
- Hợp đồng thuê nhà hết hạn và chủ nhà hay người thuê không muốn tái ký kết.
- Chưa hết thời hạn thuê nhà nhưng cả bên thuê và bên cho thuê muốn chấm dứt hợp đồng vì lý do nào đó.
- Trong thời gian thuê, ngôi nhà xảy ra sự cố không thể khắc phục do yếu tố khách quan. Hoặc nhà nằm trong vùng quy hoạch, đã có quyết định thu hồi từ cơ quan nhà nước.
- Nhà cho thuê bị Nhà nước trưng dụng theo quy định của pháp luật.
Đơn phương thanh lý hợp đồng thuê nhà
– Người thuê có thể đơn phương thanh lý hợp đồng thuê nhà nếu:
- Chủ nhà tăng giá thuê nhà không có cơ sở, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã thỏa thuận. Các tiện ích, tiện nghi cũng không được thực hiện đúng cam kết.
- Tài sản thuê bị hư hỏng (không do bên thuê) ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh nhưng chủ nhà không tiến hành sửa chữa.
- Bên cho thuê vi phạm điều khoản khác đã ký kết trong hợp đồng.
– Bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong trường hợp:
- Người thuê không thanh toán tiền nhà trong vòng 3 tháng hoặc sử dụng nhà sai mục đích trong hợp đồng.
- Người thuê tự ý cơi nới, phá dỡ, cải tạo nhà khi chưa được sự đồng ý của bên cho thuê.
- Người thuê tự ý cho người khác mượn, cho thuê lại hoặc di chuyển tài sản trong nhà khi chưa được cho phép.
- Trong quá trình sử dụng, người thuê gây ồn ào, ô nhiễm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Mặc dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn không thay đổi.
- Bên thuê vi phạm các điều khoản khác đã ký kết trong hợp đồng.
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng do lỗi của một bên, đã quy định rõ trong hợp đồng ban đầu thì bên yêu cầu thanh lý không phải bồi thường các chi phí liên quan.
Lưu ý: Khi đơn phương thanh lý hợp đồng cần thông báo trước với bên còn lại ít nhất 30 ngày. Còn nếu để xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. (Tham khảo Cách Định Giá Nhà Đất Đơn Giản, Chính Xác Nhất).
3 Lưu Ý Khi Ký Biên Bản Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà
Đối với bên cho thuê
Bên cho thuê nên kiểm tra hiện trạng nhà (nội thất, kết cầu trần, tường nhà, đường ống nước…) sau khi cho thuê. Nếu phát hiện có hư hỏng hoặc thay đổi thì xác định mức độ ảnh hưởng như thế nào? Sau đó hai bên thỏa thuận phương án giải quyết: đền bù hay phục hồi lại nguyên trạng. Khi vấn đề đã được giải quyết thì mới nên ký vào biên bản thanh lý hợp đồng, tránh mất quyền lợi, tranh chấp về sau.
Đối với bên thuê
Trường hợp thanh lý hợp đồng thuê nhà khi có sự thống nhất thì cả hai bên cùng kiểm tra lại tài sản rồi ký kết vào biên bản, tránh xảy ra tranh chấp sau này.
Nếu thực hiện thanh lý hợp đồng thuê nhà do bên cho thuê đơn phương chấm dứt thì cần xác định lý do là gì? Có hợp lý hoặc vi phạm điều khoản hợp đồng thuê nhà không? Sau đó tính toán phương án đòi bồi thường phù hợp.
Kinh nghiệm cho người thuê nhà tránh mất quyền lợi hay xảy ra tranh chấp khi thực hiện thanh lý:
- Nên chụp ảnh toàn bộ ngôi nhà khi bắt đầu vào ở, đặc biệt là những nơi nhận thấy có vấn đề hoặc dễ xảy ra hư hỏng.
- Khi thanh lý nếu xảy ra vấn đề cần bồi thường, nên lập văn bản bồi thường riêng có chữ ký của hai bên rồi đính kèm với hợp đồng.
4 Thông Tin Cần Có Trong Biên Bản Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà
– Thông tin các bên:
- Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà phải có đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin của người thuê và người cho thuê: tên, ngày tháng năm sinh, CMND/CCCD/sổ hộ chiếu, địa chỉ thường trú…
- Trường hợp ủy quyền người khác thực hiện thì phải có giấy tờ chứng minh theo quy định và phải được thể hiện rõ trong biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà.
– Thông tin về hợp đồng thuê nhà: gồm số hợp đồng và ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng thuê nhà.
– Các điều khoản:
- Ngày, tháng, năm kết thúc hợp đồng thuê nhà.
- Xác nhận của hai bên về việc hoàn thành các khoản tiền đặt cọc ban đầu, chi phí thuê nhà.
- Xác nhận của bên cho thuê và bên thuê về tình trạng nhà sau khi bàn giao.
- Trường hợp xảy ra vấn đề với ngôi nhà hay vi phạm hợp đồng thuê nhà thì hai bên phải thỏa thuận, cam kết hướng giải quyết trước khi ký vào biên bản. Việc thỏa thuận này cần lập thành văn bản riêng đính kèm với biên bản thanh lý.
– Thời điểm biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà có hiệu lực.
Bài viết đã chia sẻ những thông tin liên quan đến biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp người cho thuê – người thuê nhà thực hiện thanh lý thuận lợi hơn. (Bạn có thể tải mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà: Click TẠI ĐÂY).
Liên Hệ Tư Vấn Phong Thủy Bất Động Sản Miễn Phí